Trước đề nghị của Công ty TNHH Hammar Việt Nam liên quan đến trường hợp DN đã tạm ngừng hoạt động hoặc mất tích theo xác nhận của cơ quan Thuế, Tổng cục Hải quan đã có trả lời và hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến đăng ký tờ khai hải quan đối với DN đã đóng mã số thuế, tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP; khoản 1 Điều 14 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định: “cơ quan Hải quan không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa XNK, quá cảnh của DN đã giải thể, phá sản, đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, mất tích theo xác nhận của cơ quan Thuế, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. Các trường hợp DN đã tạm ngừng hoạt động hoặc mất tích theo xác nhận của cơ quan Thuế, để được chấp nhận đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, quá cảnh phải có xác nhận của cơ quan Thuế về việc DN đã đăng ký hoạt động trở lại và đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật thuế và kế toán”.

Hải quan TPHCM luôn hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục hải quan cho doanh nghiệp XNK. 	Ảnh: T.H
Hải quan TPHCM luôn hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục hải quan cho doanh nghiệp XNK. Ảnh: T.H

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, để được chấp nhận đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, quá cảnh, DN phải có xác nhận của cơ quan Thuế về việc đã đăng ký hoạt động trở lại và đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật thuế và kế toán.

Liên quan đến việc ấn định thuế, tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Quản lý thuế.

Theo đó, để thực hiện thu thuế đối với các tờ khai hàng hóa NK trong trường hợp DN đã bị đóng mã số thuế, không thực hiện được đăng ký tờ khai hải quan mới để nộp thuế đối với số lượng hàng hóa không đủ điều kiện miễn thuế, DN chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chi tiết về hàng hoá NK ban đầu bao gồm: Số tờ khai, ngày đăng ký tờ khai, tên hàng, đơn vị tính, mã số, số lượng, trị giá tính thuế, thuế suất NK cho cơ quan Hải quan.

Cơ quan Hải quan nơi phát sinh số tiền thuế phải nộp, kiểm tra nội dung khai báo của DN, kiểm tra các chứng từ, tài liệu có liên quan để ban hành Quyết định ấn định thuế kèm phụ lục chi tiết theo từng tờ khai hải quan, chi tiết mặt hàng phải ấn định thuế. Thời hạn nộp tiền thuế ấn định thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) cho cơ quan Hải quan.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ vụ việc cụ thể để thực hiện xử phạt vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nguồn: haiquanonline.com.vn